Thanh Hóa: Cảm hứng phát triển mới từ những ” Đại bàng quốc tích Việt”

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cảm hứng phát triển mới của Thanh Hóa sẽ đến từ những “đại bàng” quốc tịch Việt. Mà điển hình là khả năng dẫn dắt và bùng nổ khác thường của Sun Group.

Thanh Hóa: Cảm hứng phát triển mới từ những “đại bàng” quốc tịch Việt - Ảnh 1.

Thưa PGS. TS. Trần Đình Thiên, Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển kinh tế phía Bắc. Theo ông, để đạt mục tiêu này, Thanh Hóa cần thực hiện những giải pháp mang tính chiến lược ra sao? 

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Ý tưởng đưa Thanh Hóa trở thành một điểm trong “tứ giác” phát triển kinh tế phía Bắc cho thấy tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh. Thanh Hóa vốn là “chóp” của Bắc Trung Bộ, nên việc trở thành một điểm trong “tứ giác” kết nối với các Trung tâm lớn của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là ý tưởng đúng. Không gian phát triển cho Thanh Hóa được mở ra, có động lực mạnh hơn. Kết nối và khai thác được lợi thế từ các trung tâm lớn ở phía Bắc, Thanh Hóa sẽ bùng lên. Đây là lựa chọn thông minh.

Những năm gần đây, Thanh Hóa trỗi dậy khá mạnh. Trước đây, Thanh Hóa phát triển dựa vào “Tứ Sơn”: Nghi Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn. Mỗi “Sơn” với lợi thế riêng, tạo thành cực tăng trưởng của Thanh Hóa.

Thanh Hóa nhờ “Tứ Sơn” mà trỗi dậy mạnh. Có lẽ nhờ sự trỗi dậy này mà Thanh Hoá rất tự tin khi đặt vấn đề cùng ba tỉnh Bắc Bộ hợp thành “Tứ giác phát triển”.

Tuy nhiên, câu chuyện “Tứ giác phát triển” hiện mới là ý tưởng, vẫn còn chưa hiện diện “Tứ giác” trên thực tế. Ba “đỉnh” Bắc Bộ của Tứ giác có định kết nối với “đỉnh” Thanh Hóa không, kết nối như thế nào và để làm gì.

Để hiện thực hóa ý tưởng độc đáo này, có lẽ Thanh Hóa phải chủ động định hình rõ hơn nội hàm ý tưởng, để bàn với Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội về chức năng và phương thức liên kết. Hoặc tự Thanh Hóa phải chủ động đưa mình vào không gian “tứ giác” trước, từ đó, định hình cách liên kết phát triển với các tọa độ còn lại.

Nếu phải đưa ra một hình dung về “chân dung” của Thanh Hóa trong thập niên tới, ông sẽ vẽ chân dung địa phương này với những nét chính nào? 

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Từ tầm nhìn và tư duy mới của Thanh Hoá, cộng thêm những xung lực từ các nhà đầu tư tầm cỡ, Thanh Hoá đang có những cơ hội để “cất cánh” trỗi dậy mạnh mẽ trong thập niên tới, thực hiện sứ mệnh tạo cú hích cho cả khu vực Bắc Trung Bộ phát triển.

Nói riêng về “mũi nhọn” du lịch, lâu nay, du lịch Thanh Hóa chỉ nổi tiếng ở Sầm Sơn. Nhưng Sầm Sơn lại là du lịch mùa vụ, trong khi văn hóa du lịch ở đây lại chưa đủ sức quyến rũ du khách.

Gần đây, khi có một số nhà đầu tư lớn vào làm du lịch thì chân dung du lịch Sầm Sơn được cải thiện đáng kể. Văn hóa làm du lịch của người dân cũng được đẩy lên. Nhưng vẫn chưa đủ để biến Sầm Sơn thành tọa độ du lịch có thể sánh vai với Đà Nẵng, Hạ Long hay Nha Trang. Thiếu sản phẩm du lịch, thiếu tọa độ liên kết – đây chính là vấn đề của Thanh Hóa và của Bắc Trung Bộ.

Thanh Hóa có nhiều tài nguyên du lịch, tiềm năng to lớn và đặc sắc. Điều đó không thể phủ nhận. Nhưng vấn đề là ở chỗ Thanh Hóa định kết nối các điểm du lịch trong tỉnh với nhau, kết nối thành chuỗi với Ninh Bình, Nghệ An hay sang Lào thế nào. Lại còn phải nối “cầu vồng” với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh trong khuôn khổ “Tứ giác phát triển” nữa chứ!

Vậy trên phác thảo “chân dung” của Thanh Hóa như chuyên gia vừa nói, có thể lấy những mô hình phát triển trong nước/thế giới nào làm hình mẫu cho Thanh Hóa? Riêng trong lĩnh vực du lịch, Thanh Hóa cần chú trọng phát triển những loại hình du lịch nào? 

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Không cần nhìn đâu xa. Đà Nẵng, Quảng Ninh hay Phú Quốc đã cho thấy cách “lột xác” ngoạn mục của thị trường du lịch, với hạ tầng kinh tế – du lịch phát triển đồng bộ, liên tục được làm mới với các hoạt động văn hóa, giải trí.

Cốt lõi là thu hút được những “đại bàng” đủ năng lực tạo chân dung phát triển cho chính nơi mời gọi chúng và được chúng chọn. Tôi muốn nói đến vai trò các Tập đoàn kinh tế như Sun Group, Vingroup, v.v…; đến những gì mà những Tập đoàn này đã và đang tiếp tục làm, ở Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang và Phú Quốc.

 

Nhìn ra nước ngoài, có thể nghiên cứu học tập mô hình Rio de Janeiro của Brazil hoặc Pattaya của Thái Lan, Bali của Indonesia…, kết nối quốc tế, các hoạt động giải trí, trải nghiệm phong phú sôi động, đặc biệt là các hoạt động về đêm, tạo sức hút.

Những kinh nghiệm này là đặc biệt quý báu, cần được Thanh Hóa mổ xẻ công phu, để đúc kết thành cái gọi là “lợi thế đi sau” trong phát triển.

Thanh Hóa đang có đà phát triển Công nghiệp và Đô thị. Đây là những tiền đề cơ bản để phát triển du lịch – dịch vụ. Thanh Hóa cần đa dạng loại hình du lịch, gắn với sự phong phú và giàu có tiềm năng, để đa dạng trải nghiệm, khám phá cái khác biệt và tận hưởng “đẳng cấp” để thu hút du khách.

Cần tăng cường loại hình du lịch giải trí như cách Sun Group, Vingroup đã làm thành công. Rio de Janeiro của Brazil đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng thế giới bằng Carnival đường phố hấp dẫn, độc đáo. Thanh Hóa với nhiều bãi biển đẹp, đặc biệt là quảng trường biển rộng lớn sắp được Sun Group kiến tạo ở Sầm Sơn, hoàn toàn có thể đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo để làm mới mình. Sun Group đã thành công với cách làm trong mấy năm qua ở một số địa phương. Có thể coi đây là một tiền đề quan trọng để bứt phá lên…

Thuong hamlet, Thach Thanh commune, Thanh Hoa province, Vietnam – September 30, 2019: see stunning panoramas of May waterfall, this waterfall has nine floors and is very popular with tourists everywhe

Thanh Hóa: Cảm hứng phát triển mới từ những “đại bàng” quốc tịch Việt - Ảnh 7.

Với khoảng trống như ông vừa phân tích và với chiến lược mới của tỉnh, Thanh Hoá hoàn toàn có cơ hội “cất cánh” nhờ những dự án đẳng cấp. Nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào Thanh Hóa. Gần đây, Sun Group khởi công tổ hợp siêu dự án hơn 1 tỷ USD ở Sầm Sơn. Ông nghĩ sao về câu chuyện thu hút các “đại bàng” tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, đối với sự phát triển của Thanh Hóa trong thập niên tới? 

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Dấu ấn phát triển mà Sun Group tạo ra cho một số địa phương là đặc biệt mạnh mẽ. Sun Group định hình đẳng cấp phát triển du lịch – dịch vụ cho những nơi mà Tập đoàn này đầu tư. Đà Nẵng là minh chứng điển hình. Tiếp theo là Phú Quốc, Hạ Long, có lẽ tới đây sẽ còn thêm những tọa độ khác – Sầm Sơn, Thanh Hóa chẳng hạn. Vingroup và gần đây có thêm một số DN Việt khác, cũng đang hành động theo cách đó.

Đó thực sự là những trụ cột làm cho du lịch trở thành ngành mũi nhọn đúng nghĩa của nền kinh tế. Tôi nghĩ nếu có những doanh nghiệp lớn tham gia phát triển du lịch Thanh Hóa thì họ sẽ đặt ra những yêu cầu này dễ dàng hơn, với một tầm nhìn xứng đáng. Tôi không nghi ngờ gì tác động bùng nổ và lan tỏa phát triển mạnh khi Sun Group đầu tư vào Sầm Sơn.

Ông nhận định gì về triển vọng phát triển du lịch của Thanh Hóa khi Sun Group quyết định đầu tư lớn vào đây?

Thời gian qua, Thanh Hoá chưa thu hút được khách quốc tế, doanh thu du lịch còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, Sun Group lại có thế mạnh trong việc phát triển thị trường, nhất là thị trường khách quốc tế. Sun Group còn đem đến cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp, nâng tầm đẳng cấp du lịch cho cả tỉnh, có thể lôi kéo rất nhiều nhà đầu tư khác đến đây.

Tuy nhiên, chính quyền Thanh Hoá phải cùng với nhà đầu tư cân nhắc kỹ các khâu, các bước triển khai để khai thác được tối đa hiệu quả. Bởi chúng ta một mặt thử nghiệm quốc tế, mặt khác phải tìm cách lấp đầy những chỗ “trống” du lịch đối với du khách Việt Nam.

Xét về năng lực thực tế để tạo ra tọa độ du lịch hấp dẫn ở Việt Nam cho đến nay, ít doanh nghiệp nào làm được như Sun Group. Tập đoàn này đầu tư vào Thanh Hóa, không riêng Dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tỷ đô ở Sầm Sơn. Họ còn định đầu tư phát triển hệ sinh thái du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí, dịch vụ cao cấp ở Thanh Hóa. Về lâu dài, việc phát triển các tổ hợp lớn này sẽ nâng tầm chân dung du lịch Thanh Hoá, tăng sức hút mạnh mẽ cho tỉnh.

Điều quan trọng là, việc các tập đoàn sẵn sàng đầu tư là điều đáng trân trọng. Và phải bảo vệ xu hướng đó. Chính quyền địa phương phải tính toán và chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi tình huống, nhất là những lúc họ gặp khó khăn.

Sự xuất hiện của những “đại bàng” như Sun Group, Vingroup có thể tạo ra làn sóng dẫn dắt các nhà đầu tư khác tới xứ Thanh trong thời gian tới? 

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Thanh Hóa vẫn đang tạo ra sức hấp dẫn mạnh. Thêm Sun Group vào thì chắc chắn sức hấp dẫn sẽ tăng lên. Khi đó, Thanh Hóa sẽ thu hút thêm được những “đại bàng” mới và nhiều nhà đầu tư tốt.

Bản thân Sun Group là cái tên nói lên sự tin cậy trong việc tạo cảm hứng phát triển. Đà Nẵng là ví dụ mà tôi hay đề cập đến. Sun Group cam kết đầu tư phát triển Đà Nẵng với lãnh đạo Thành phố ngay từ những ngày đầu Đà Nẵng “kế hoạch hóa tập trung”, còn “hoang sơ” lắm. Bước đi tiên phong can đảm của Sun Group đã từng bước hấp dẫn các nhà đầu tư nên, Đà Nẵng từng bước được hiện đại hóa và trở thành “đáng sống” như ngày nay.

Chính Sun Group đã đặt ra một chuẩn mực phát triển cao để Đà Nẵng thu hút đầu tư đúng cách và đúng tầm. Từ Sun Group, chính quyền Đà Nẵng biết tiếp cận đầu tư theo chuẩn ấy. Và đó là một trong những bí quyết thành công của Đà Nẵng. Mấy năm qua, Sun Group đầu tư vào Phú Quốc, Hạ Long cũng theo cách như vậy. Sun Group đầu tư cáp treo ở Sa Pa, Cát Bà, Hạ Long, Bà Nà, Hòn Thơm đều tạo nên biểu tượng và khẳng định chân dung phát triển cho các địa phương.

Tại Thanh Hóa, họ cũng sẽ định hình chân dung và diện mạo của thành phố biển Sầm Sơn với một chuẩn mực mới – chuẩn mực quốc tế với một logic khác.

Vấn đề là Sun Group tạo chân dung nào – trong vóc dáng và đường nét cụ thể – để xứng đáng với lịch sử và khát vọng của Thanh Hóa. Đó là vấn đề của Thanh Hóa: Chính quyền Thanh Hóa đặt ra điều kiện gì và hỗ trợ thế nào để Sun Group làm điều khác thường cho quê hương mình.

Thanh Hóa: Cảm hứng phát triển mới từ những “đại bàng” quốc tịch Việt - Ảnh 11.

Vậy theo chuyên gia, chính quyền địa phương cần có sự chuẩn bị ra sao để biến những thời cơ vàng hiện tại thành bệ phóng cho Thanh Hóa vươn ra thế giới?

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp tư nhân là nguồn lực phát triển quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Vì thế, khi đặt vấn đề sử dụng các nguồn tài nguyên, phát huy những lợi thế của Việt Nam thì trước tiên phải nghĩ đến các doanh nghiệp Việt, các tập đoàn kinh tế Việt.

Theo tinh thần như vậy, Thanh Hóa cần tạo điều kiện tốt cho các nhà đầu tư Việt như Sun Group phát triển dự án và làm ăn lâu dài tại địa phương. Đặc biệt là trong lúc này, khi Thanh Hóa đang có đà, có thế, có đủ điều kiện để bứt phá.

Thời gian qua, đã có những tác động tích cực thay đổi hình ảnh du lịch Sầm Sơn. Nhưng điểm cần nhấn mạnh là chính quyền phải chủ động làm công việc này.

Bên cạnh việc đưa du lịch thoát khỏi hình ảnh mùa vụ, giá rẻ, cần định hướng phát triển mạnh kinh tế ban đêm. Kinh tế đêm không chỉ là một trong những giải pháp “chớp” thời cơ hậu Covid–19 để phát triển du lịch. Để tận dụng thời cơ “thoát nguy” và “bứt phá”, cần khẩn trương xây dựng một chương trình (chiến lược) phát triển kinh tế đêm tổng thể, trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn tới của Thanh Hoá như một nội dung ưu tiên.

Giả sử dịch bệnh được kiểm soát trong 2 – 3 năm tới, với những dự án lớn được khởi công và dần đi vào hoàn thiện, ông nghĩ du lịch Thanh Hoá sẽ ra sao? 

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Dù đã có “ông lớn” đầu tư nhưng kinh nghiệm cho thấy không thể trông chờ “du lịch một phát lên luôn”. Du lịch phải gắn với văn hoá. Ta làm du lịch không thể mãi và chỉ ở cấp văn hoá thôn quê, làng xã.

Đà Nẵng phải mất 20 năm để du lịch phát triển với những khởi động ban đầu mà Sun Group đã làm rất bài bản. Để nói 10 năm tới du lịch Thanh Hóa bùng nổ thì có lẽ ta phải “trừ bì” khoảng thời gian với những điều kiện bất thường và sự cạnh tranh gay gắt để có cách tiếp cận sát hơn với dự báo tương lai.

Tất nhiên, tôi đang phân tích với góc nhìn thông thường. Nhưng nhiều khi vẫn có những toạ độ bứt phá khác thường.

Ông đánh giá ra sao về tinh thần dân tộc của Sun Group trong việc định vị chân dung Việt Nam trên thế giới? 

PGS. TS. Trần Đình Thiên: Sun Group không hay khoe về hoạt động của mình, ít nói về những việc làm cụ thể. Họ cũng âm thầm làm từ thiện nhiều.

Tôi thấy Sun Group hay những “đại bàng” Việt khác, đều hành động với mong muốn vang danh Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vị thế dân tộc trong cuộc đua toàn cầu.

Định hướng làm đẹp, làm đẳng cấp trong các dự án đầu tư của họ đều có mục tiêu. Họ muốn thế giới biết là người Việt Nam có thể làm được cả những điều khác thường chứ không chỉ đi sau, đến làm điều thông thường còn khó. Tôi cố gắng lắng nghe trong những điều họ làm tỏa ra âm vang Việt Nam và cổ động cho điều đó.

Đối với Sun Group, cũng như Vingroup, họ ít khoe ra điều đó. Họ lặng lẽ làm với tư cách là người khai mở. Đó là một phẩm chất quý.

Nhưng tôi lại muốn họ lên tiếng nhiều hơn về những điều họ đóng góp, cống hiến cho phát triển, cho đất nước. Để người ta biết Việt Nam nhiều hơn, đúng hơn và nhanh hơn, cũng là cách để cổ động tinh thần Việt Nam mạnh mẽ hơn. Người Việt mà ý thức tự hào được về đất nước mình sớm thì quá tuyệt vời. Và chính các doanh nhân phải truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *